Luận bàn về trận Xích Bích có rất nhiều khía cạnh. Hôm nay, tôi bình về vai trò của người làm tướng quân, họ phải chịu trách nhiệm về sự tồn vong của đội quân mà họ dẫn dắt. Do vậy tôi bàn về các quyết định của Tào Tháo.
Nói về Tào Tháo thì dân gian là luôn có câu “đa nghi như Tào Tháo” để nói lên tính cách nổi trội nhất của nhân vật này. La Quán Trung, người viết tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, sinh sau đó 300 năm kể về Táo Tháo như thế. Đơn giản thôi, vì họ viết để phục vụ chế độ phong kiến thời bấy giờ, đề cao tính Trung – Nghĩa – Lễ – Tín – Nhân. Nên Tào Tháo phải đóng vai phản diện theo kiểu “không có thằng xấu thì làm sao mà thằng tốt nó nổi lên được. Vậy thôi. Chứ theo quan điểm của tôi thì Tào Tháo là một nhà chiến lược tài ba. Tuy nhiên, cũng có lúc ông ta phạm những sai lầm chết người, mà đơn cử là trong trận chiến Xích Bích.
Bỏ qua chuyện đúng sai, hư cấu của tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, tôi bàn về các quyết định của Tào Tháo có ảnh hưởng trực tiếp đến trận chiến này là:
- Quyết định tấn công vào liên minh Tôn Quyền-Lưu Bị, trong lúc vừa hành quân rất xa, bị dịch bệnh hoành hành khiến cho đội quân giảm sức chiến đấu. Vì thế Tào quân không thể giành được lợi thế trong những trận giao tranh nhỏ ban đầu và buộc phải lui về đóng quân ở Ô Lâm.
- Để giảm sự tròng trành của thuyền chiến, Tào Tháo ra lệnh dùng xích sắt nối nhiều thuyền lại với nhau. Trong truyện thì La Quán Trung nói rằng kế “Liên Hoàn Thuyền” này do Bàng Thống bày cho Tào Tháo. Các mưu sĩ của Tào Tháo đã can gián nhưng Tào Tháo vẫn không nghe theo.
- Bị tướng Hoàng Cái bên Đông Ngô thi hành kế trá hàng, ngoại công nội ứng đốt cháy chiến thuyền của Tào Tháo. Khi đội “hàng binh” của Hoàng Cái đến giữa sông thì các hỏa thuyền bắt đầu được châm lửa và chúng theo gió Đông Nam lao thẳng vào hạm đội của Tào. Trong điều kiện gió lớn và bị xích vào nhau, các thuyền chiến của Tào Tháo nhanh chóng bắt lửa khiến một số lớn binh mã chết cháy trên thuyền hoặc chết đuối dưới sông.
- Trên đường rút lui, thay vì đi đường chính theo góp ý của các mưu sĩ và thuộc hạ thì Tào Tháo lại theo đường cái Hoa Dung xuyên qua vùng đầm lầy lớn phía Bắc hồ Động Đình. Trong điều kiện mưa nặng hạt khiến đường rút lui càng trở lên lầy lội, Tào Tháo phải ra lệnh cho binh lính, kể cả những người bị thương, vác theo các bó cỏ để lấp đường. Trong truyện thì tại đây Tào Tháo gặp phải Quan Vũ. La Quán Trung xây dựng chi tiết Quan Vũ thả Tào Tháo ở hẻm Hoa Dung để tô thêm vẻ đẹp Trung – Nghĩa của Quan Vũ.
Đa số các phân tích đều cho rằng việc thất bại của Tào Tháo đến từ những sai lầm chiến thuật liên tiếp của Tào Tháo. Tuy nhiên, đứng ở khía cạnh nhà quản trị hiện tại tôi có vài ý kiến như sau:
- Binh pháp Tôn Tử trong thiên “Tác chiến” có nói khi phải huy động một nguồn lực lớn (nhân lực, vật lực, tài lực) thì phải đánh nhanh, thắng nhanh. Nếu quân mỏi mệt, nhuệ khí sẽ suy giảm thì lúc đó người tài giỏi, sáng suốt đến đâu cũng không thể cứu vãn được tình thế. Tào Tháo đã vi phạm nguyên tắc này, vì thế mới thất bại. Trong hoạt động quản lý hiện đại cũng vậy. Khi sử dụng một nguồn lực lớn của tổ chức, đòi hỏi bạn phải luôn giữ cho mình ở trạng thái sáng suốt và tinh anh, không được có suy nghĩ chủ quan, khinh địch. Chỉ cần 1 phút sơ suất, khinh địch tổ chức của bạn sẽ phải trả giá, sẽ bị đối thủ cạnh tranh qua mặt. Vì vậy, khi đầu tư ở các thị trường xa lạ, nơi mà ta chẳng biết cái quái gì về nó thì phải cẩn thận. Nhanh chóng mà ổn định thị trường, bất chấp thủ đoạn, vì bạn kinh doanh mà đúng không? Hãy tự mình trả lời câu hỏi và rút ra bài học, phải thật lòng mà trả lời nha “1. Nếu phải chơi một cách lành mạnh rồi đóng cửa doanh nghiệp; 2. Phải tồn tại bằng mọi giá trên thị trường. Chọn cái nào?”
- Tào Tháo dùng xích nối các thuyền nhỏ thành các cụm thuyền lớn để giảm sự chòng chành, giúp quân lính có thể chạy trên đó được. Nếu không phải bị hỏa công thì thực sự đây là một kế rất tốt, vì khắc phục được điểm yếu của quân Tào Tháo. Tuy nhiên, chính nó cũng là tử huyệt khiến cho Tào quân bại trận. Trong hiện tại, tổ chức của bạn càng to, càng khó vận hành thông suốt vì phải trải qua nhiều cấp. Khi gặp sự thay đổi của thị trường thì tổ chức của bạn rất khó thay đổi theo. Bạn cần phải có phương pháp quản lý các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống. Bài học rút ra ở đây, đừng nghe những thằng “quân sư dùi đục” và phải biết là “gió có thể đổi chiều”. Cẩn thận là không thừa đâu.
- Kế trá hàng của Hoàng Cái khiến cho Tào Tháo bị trong đánh ra, ngoài đánh vào trở tai không kịp. Ngày nay, việc tổ chức của chúng ta nếu có “gián điệp” của đối thủ gài vào, thì các chính sách, chiến lược của công ty sẽ bị đưa ra ngoài và họ sẽ hành động trước. Nội bộ của công ty nhất thiết phải được trong sạch, trên dưới đồng lòng thì mọi khó khăn, thách thức của tổ chức đều sẽ được giải quyết. Đừng tin những thằng bỏ từ công ty đối thủ qua mình làm. Nó đã từ bỏ công ty nó qua mình thì khả năng rất lớn nó cũng làm điều tương tự với mình. Tốt hết là tuyển người mới và tự xây dựng lực lượng cho nó chắc. Đơn giản hơn là tuyển thằng tốt và dạy nó kinh doanh theo cách của bạn. Đừng làm điều ngược lại.
- Trên đường rút lui, Tào Tháo bị chặn ở hẻm Hoa Dung suýt nữa không có đường về Hán Trung. Điều này cho thấy đôi khi thói quen và suy nghĩ của người đứng đầu tổ chức có thể giết hại chính bản thân họ. Tự tin là điều tốt, tuy nhiên đừng để nó trở thành tự kiêu, tự cao. Bạn cần phải biết nghe thông tin của những nhân viên dưới quyền để có cách hành xử đúng và có phương án lựa chọn tối ưu nhất. Bài học ở đây là “Cuộc sống luôn tồn tại những điều bất ngờ, đôi lúc bạn phải nhìn nó bằng TIM thay vì nhìn nó bằng MẮT”.
Hôm nay, chém tới đây thôi, rảnh chém tiếp.
Bình luận gần đây